Hỗ trợ:
84-028-3845 3333
Giỏ hàng:
0
(0)
Ba lần vượt Trường Sơn (Hồi kí)
Tìm kiếm phân loại
tu-dien-cho-android-sachbaovn.jpg
tu-dien-nhat-viet-sachbaovn.jpg
Hoạt động thành viên
Giới thiệu

Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ hào hùng của dân tộc, hàng ngàn giáo viên, cán bộ giáo dục, dù quê ở miền Bắc hay quê ở miền Nam tập kết ra Bắc, đã hăng hái “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trở về miền Nam trực tiếp tham gia chiến đấu và dạy học. Trong đội ngũ nhà giáo – chiến sĩ ấy có đồng chí Nguyễn Quốc Bảo. Với lí tưởng cống hiến cháy bỏng, với tình cảm yêu thương tha thiết đồng bào miền Nam “đi trước về sau”, suốt mười năm trời lăn lộn trên chiến trường, khi cầm bút, lúc trực tiếp cầm súng, đồng chí đã cùng cán bộ, giáo viên và người dân Nam Bộ đồng cam cộng khổ xây dựng phong trào giáo dục trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức ác liệt, để quyết tâm đem lại ánh sáng văn hoá cho những người nông dân chân đất và con em của họ, đào tạo được nhiều thế hệ “hạt giống đỏ” cho cách mạng miền Nam.

Đặc biệt, do yêu cầu công tác, đồng chí đã Ba lần vượt Trường Sơn – con đường huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Đối với một đời người, một lần vượt Trường Sơn cũng đã là một thử thách lớn lao như đồng chí Tố Hữu đã viết: “Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Lần thứ nhất, trong đội hình đoàn cán bộ tăng cường K33, đồng chí hành quân vượt Trường Sơn vào Nam bằng đôi chân ròng rã gần ba tháng trời. Lần thứ hai, đồng chí “nửa đi bộ, nửa đi xe” vượt Trường Sơn ra Bắc với sứ mệnh báo cáo tình hình giáo dục miền Nam với Trung ương và xin Trung ương chi viện cán bộ, sách giáo khoa, phương tiện, đồ dùng dạy học cho giáo dục miền Nam để chuẩn bị đón thời cơ. Lần thứ ba, đồng chí lại vượt Trường Sơn trở về miền Nam tiếp tục làm công tác giáo dục (lần này may mắn hoàn toàn hành quân bằng ô tô từ Hà Nội vào đến Trung ương Cục miền Nam). Ba lần vượt Trường Sơn của đồng chí gắn liền với những cột mốc đánh dấu những chặng đường đi tới ngày toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Có lẽ trong Ba lần vượt Trường Sơn, đồng chí Quốc Bảo không phải chủ yếu mô tả những chuyến vượt Trường Sơn của mình mà chủ yếu là nói lên cuộc chiến đấu gay go, ác liệt trên mặt trận giáo dục mà đồng chí chỉ là một trong ngàn vạn giáo viên, cán bộ ở miền Nam. Khi mang ba lô vượt Trường Sơn, đồng chí Quốc Bảo và một số cán bộ giảng dạy đại học được giao nhiệm vụ vào B2 (Nam Bộ) để mở trường đại học giải phóng. Thế nhưng, khi đoàn đến Ông Cụ (Trung ương Cục miền Nam) thì tình hình chiến tranh đã khác. Đế quốc Mĩ đã chuyển hướng chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”. Chiến trường miền Nam trở nên hết sức ác liệt. Các trường lớp của Trung ương Cục mở đều phải ngưng. Tất nhiên là đồng chí Quốc Bảo cũng phải “chuyển hướng” : làm bất cứ việc gì để trực tiếp tham gia đánh Mĩ. Với chiếc bòng và đôi dép lốp, đồng chí đã “lội” khắp chiến trường miền Đông và miền Trung Nam Bộ để mở lớp đào tạo, huấn luyện giáo viên, cán bộ giáo dục từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, liên tục không biết mệt mỏi, không sợ gian khổ, hi sinh, bám dân, bám cơ sở để sống và chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng của mình. Lúc làm cán bộ biên soạn sách giáo khoa, lúc làm giáo viên, lúc làm cán bộ trí vận, cán bộ dân vận, lúc trực tiếp cầm súng đánh giặc …, lúc đói khát, lúc ngủ bờ ngủ bụi, lúc thu mình trong hầm bí mật, lúc nằm khoèo trong địa đạo, lúc cái chết chỉ trong gang tấc, lúc cô đơn nhớ vợ, nhớ con …, đồng chí Quốc Bảo đã chứng tỏ là một trí thức được rèn luyện, tiêu biểu cho một thế hệ giàu lòng yêu nước, giàu lí tưởng, khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Hồi kí của đồng chí Quốc Bảo là những câu chuyện, những sự kiện cụ thể, sinh động, chân thực, thấm đậm tình yêu con người, tình cảm đối với đồng bào, đồng chí, đồng đội. Và cũng nhờ vậy mà đọc hồi kí Ba lần vượt Trường Sơn tôi rất xúc động, rất thú vị, nó đã gợi lại cho tôi một thời kì hào hùng của dân tộc. Theo tôi, làm giáo dục trong chiến tranh ác liệt như đồng chí Quốc Bảo cũng như của ngàn vạn chiến sĩ giáo dục khác ở chiến trường miền Nam là một phần không thể thiếu trong lịch sử giáo dục của đất nước ta. Vừa cầm bút, vừa cầm súng là một hình tượng rất đẹp của người thầy giáo trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn hồi kí này với bạn đọc. (Trần Thanh Nam (Hoàng Đào) - Mùa thu 2008 )

Sách liên quan
Sách thường được mua kèm với sách này
Hoạt động của cộng đồng về sách này
Thành phần
Bình luận bạn đọc
Đăng nhập để viết bình luận